/

Tín chỉ carbon- nguồn lực đã được nhìn nhận đúng mức?

17:35 09/04/2025
29 lượt xem

Hà Tĩnh hiện có gần 365 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ và lưu trữ carbon. Theo ước tính, tỉnh có thể bán khoảng 2 triệu tín chỉ carbon mỗi năm cho các tổ chức quốc tế, thu về khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đầy đủ.

Bà Lưu Thị Mai (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) – một trong số hơn 70 hộ dân tham gia xây dựng chứng chỉ FSC – chia sẻ về khó khăn trong việc chăm sóc rừng và chưa thể thu lợi từ tín chỉ carbon do khai thác rừng sớm.

Gia đình bà Lưu Thị Mai là một trong hơn 70 hộ dân tham gia xây dựng chứng chỉ FSC trên diện tích hơn 329 ha rừng ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Dù mất công, mất chi phí để chăm sóc nhưng do rừng trồng chưa đủ thời gian 7 năm theo tiêu chuẩn FSC thì các hộ đã tổ chức khai thác sớm. Đây là nguyên nhân khiến các hộ gia đình này vẫn chưa thu được lợi ích gì từ tín chỉ các-bon. 

Còn đối với các chủ rừng Nhà nước, dù đã có đất, có rừng, có nhu cầu bảo vệ rừng và phát triển bền vững, nhưng việc giải ngân chính sách hỗ trợ từ  Nghị định 107 của Chính phủ vẫn đang rất chậm. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các chủ rừng trong triển khai các phương án bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Cảnh quan hồ Kẻ Gỗ – khu vực có hệ sinh thái rừng tự nhiên và rừng trồng phong phú, được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Theo các chuyên gia, Hà Tĩnh có tiềm năng lớn để tham gia thị trường tín chỉ các-bon- một nguồn thu bền vững từ rừng. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, ngành. Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107 về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Năm 2023, Hà Tĩnh đã được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối gần 123 tỷ đồng nguồn tín chỉ các bon. Tuy nhiên đến nay việc giải ngân vẫn đang hết sức khó khăn bởi những vướng mắc trong thủ tục pháp lý.

Những cánh rừng trải dài ở Hà Tĩnh – nguồn tài nguyên quý giá để hấp thụ, lưu trữ carbon và mở ra hướng phát triển kinh tế rừng bền vững trong tương lai.

Rõ ràng, để khai thác hiệu quả tiềm năng tín chỉ carbon tại Hà Tĩnh, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cho các bên liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ rừng Hà Tĩnh tiếp cận sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, dự kiến hoạt động chính thức vào năm 2028.

Theo Tiến Long – Từ Duyên/HTTV

Xem thêm phản hồi...